Những kỹ năng cần có để trở thành content creator thành công

SES 07/12/2019

Content creator có thật là những người chỉ biết viết không hay còn biết làm những việc khác nữa? Nếu trở thành một content creator, bạn sẽ “đối mặt” với công việc gì, áp lực ra sao? Hãy tìm hiểu trong bài viết sau nhé!

1. Content creator là ai?

Trước khi viết bài này, một bài phỏng vấn nho nhỏ dành cho vài người bạn được tạo ra với câu hỏi “Content creator là ai?” để xem các bạn ấy nghĩ gì.

Và câu trả lời: Content creator là một đứa mọt chữ? Content creator là một đứa nghiện mạng xã hội? Một người chuyên viết mấy bài báo PR trên mạng? Một người tạo ra video? Một người thiết kế ảnh? Một người chuyên nghĩ ý tưởng điên rồ, đầu óc lúc nào cũng trên trời, trên mây?…

Tất cả câu trả lời trên đều nói chính xác, và góp phần hoàn thiện bức chân dung của một content creator. Tuy nhiên, tuỳ vào đặc thù của công việc, cơ cấu từng tổ chức, content creator sẽ có những cái tên khác nhau: Content writer, Social media executive, PR executive, Designer, Editor hoặc Script writer.

2. Content creator làm việc gì?

Hình dung đơn giản như này: content creator là người làm video hoặc cũng có thể là người làm tất cả công việc nội dung trong một doanh nghiệp quy mô nhỏ. Họ sẽ phải vừa viết bài, vừa chụp ảnh, thiết kế ảnh, vừa biên tập video và kiêm luôn việc đăng bài – quản lý hiệu quả.

Rõ ràng, phạm trù công việc của một người làm content là không giới hạn. Tuỳ vào vị trí – chức vụ đặc thù của tổ chức (agency hoặc in-house), cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp, content creator sẽ có thể làm các công việc dưới đây:

  • Lên ý tưởng, xây dựng chiến lược, lập kế hoạch cho các dự án, chiến dịch truyền thông và thực thi.
  • Viết, viết và viết: đảm nhận phần “chữ” cho các ấn phẩm truyền thông: kịch bản, lời thoại, slogan, bài đăng social media, nội dung Email Marketing, nội dung website, tạp chí,… Cái gì cứ dính đến chữ là việc của Content creator.
  • Phối hợp cùng bộ phận designer, video production… để hoàn thiện các ấn phẩm. Hoặc kiêm luôn designer và làm production, tuỳ trường hợp.
  • Nhiều lúc, sẽ hỗ trợ tạo quảng cáo trực tuyến, chạy cả event, ôm luôn cả tổ chức sản xuất… cùng với đủ việc không tên.

Nếu là quản lý, content creator sẽ đảm nhận thêm những đầu việc như này:

  • Phân bổ và quản lý công việc cho thành viên trong nhóm.
  • Kiểm duyệt bài.
  • Lên kế hoạch đào tạo chuyên môn nhân sự, tổ chức các buổi sáng tạo để tạo ra ý tưởng mới.
  • Đánh giá, đo lường hiệu quả để đưa ra kế hoạch điều chỉnh kịp thời.
  • Đảm bảo hoạt động và quy trình làm việc của nhóm.
  • Thỉnh thoảng, ngồi với khách, ngồi với sếp, ngồi với nhóm khác.

Nghe thì ít, nhưng triển khai tỉ mỉ thì không hề ít việc đâu. Đôi lúc, content creator sẽ gặp những tình huống trớ trêu khi sếp hoặc đồng nghiệp không hiểu công việc của bạn.

NGƯỜI KHÁC NGHĨ THỰC TẾ LÀ
Viết ra bài nào, bài đó cũng có hiệu ứng lan truyền. Trong 50 ý tưởng bạn nghĩ ra thì có một ý tưởng được chọn để làm mà chưa biết chắc ý tưởng đó có viral. Đừng ảo mộng quá nhiều, hãy cố gắng tích luỹ, trau dồi kinh nghiệm.
Máy sản xuất ideas, lúc nào cũng có ideas, không nghĩ ra gì thì hỏi content. Tuỳ người. Ai luyện tập nhiều thì sẽ luôn fresh và có ideas. Nếu không thì vắt kiệt não cũng chẳng có.
Cứ thiết kế thì việc gì cũng cần làm giỏi: retouch, graphic design, vẽ tay, vẽ đồ hoạ,… Mỗi người sẽ có một công việc chuyên môn. Tuỳ vào quy mô công ty, yêu cầu công việc, chuyên môn hiện tại… hãy đưa ra giới hạn công việc hợp lý. Không có nhiều người giỏi nhiều việc cùng một lúc đâu.

Và rất nhiều tình huống thú vị khác mà bạn sẽ gặp trong thực tế. Nếu chưa, hãy đi tìm một công việc thực tế để hiểu hơn về nghề content nhé.

3. Những kỹ năng để trở thành content creator thành công

Thành ngữ có câu: “có công mài sắt, có ngày lên kim”. Dính đến nghề này, đừng hy vọng quá nhiều vào tài năng bẩm sinh mà hãy tin vào sự rèn giũa của thời gian. Để thành công bạn cần phải có kỹ năng mà kỹ năng được rèn luyện nhiều ắt sẽ thành thạo và ngày càng sắc bén. Dưới đây là những kỹ năng nên được rèn luyện nhiều hơn nếu muốn thành công với nghề này:

3.1. Kỹ năng quan sát & phân tích

Quan sát ở đây nghĩa là dùng năm giác quan để cảm nhận: mắt để nhìn, mũi để ngửi, lưỡi để nếm, tai để nghe và da để chạm. Quan sát sẽ giúp bạn có cái nhìn đa chiều về việc tiếp nhận, thu thập thông tin khách quan nhất.

Cái tài của một người làm content tốt thể hiện ở việc “có thể nhìn ra những góc cạnh khác nhau của những sự vật đơn giản”. Họ phải quan sát rất nhiều trước đó thì mới làm được như vậy.

Vậy làm thế nào để phát triển khả năng quan sát khách quan? Hãy bắt đầu chú ý nhiều hơn đến những sự việc xung quanh, từ bản tin thời sự, bố mẹ bạn bè, cho đến sự vật, sự việc diễn ra xung quanh. Cũng có thể nói chuyện với một chuyên gia trong một lĩnh vực bạn chưa từng biết, tập cách “lưu ghi chú” trong đầu hoặc viết ra giấy, đặt câu hỏi tại sao cho tất cả mọi thứ…

Những thông tin bạn quan sát được, bắt đầu đánh giá dưới những góc nhìn khác nhau, kết nối sự vật – hiện tượng rồi sẽ thấy những thông tin này cực hữu ích.

3.2. Kỹ năng đọc – viết ngôn ngữ

Là người Việt nhưng không phải ai cũng giỏi tiếng Việt. Nói sai, viết sai ngữ pháp, chính tả là câu chuyện thường ngày ở huyện. Nhưng content creator không được phạm vào những sai lầm như vậy. Nếu một người sản xuất content viết sai, công chúng sẽ tiếp nhận sai. Và ít nhiều họ sẽ bị ảnh hưởng bởi content đó.

Ngoài ra, kiến thức về ngôn ngữ vùng miền hoặc ngoại ngữ là một lợi thế cực kỳ to lớn dành cho content creator. Tuy nhiên, cũng giống như tiếng phổ thông, bạn cần phải hiểu được sắc thái của từ mới truyền tải được trọn vẹn ý nghĩa thông điệp được. Ví dụ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn điều này.

Với slogan “Nâng niu bàn chân Việt”, nếu bạn là Marketer của Bitis bạn sẽ chuyển ngữ như thế nào? Đáp án thường gặp nhất sẽ là “Cherishing Vietnamese’s foot”. Tuy nhiên, bạn sẽ nhìn ra ba vấn đề:

– Sắc thái của từ “Cheris” không thật sự phù hợp trong trường hợp này. Từ “Embrace” sẽ thể hiện đúng chữ “nâng niu” hơn.

– Mục đích của việc chuyển ngữ là để giới thiệu sản phẩm đến thị trường nước ngoài. Vậy tại sao lại sử dụng “Vietnamese’s”?

– “Bàn chân” trong slogan gốc là để chỉ những bước đi, trong khi “Foot” là một từ thô và thật trong tiếng Anh, không gợi ra bất cứ hình ảnh hay sự chuyển động nào. Sẽ tốt hơn nếu sử dụng từ “Step”.

=> Câu chuyển ngữ tối ưu nên sử dụng là “Embrace every step”.

Tương tự, việc chuyển nghĩa từ tiếng Anh sang tiếng Việt, bạn cần hiểu rõ sắc thái của từ tiếng Anh và tìm cách chuyển sang tiếng Việt tương ứng. 

3.3. Kỹ năng tư duy hình ảnh

Đây là thời đại của “truyền thông thị giác” (visual communication), khi mà các ấn phẩm đẹp luôn thu hút hơn hẳn các ấn phẩm vừa vừa. Bởi vậy, việc phối hợp với designer, video editor để sản xuất các content đẹp mắt là không thể thiếu. Hãy tự trau dồi khả năng thẩm mỹ, tư duy hình ảnh và các nguyên tắc thị giác để sẵn sàng làm việc!

3.4. Kỹ năng sáng tạo

Nhiều người tin rằng, sáng tạo là bẩm sinh. Nhưng sáng tạo thật ra chỉ là kỹ năng, mà kỹ năng thì hoàn toàn có thể rèn luyện được. Hãy bắt đầu bằng việc bắt chước những đã có. Khi bạn đã thực sự hiểu vấn đề, hãy nghĩ đến việc cải biên nó, và biến nó thành cái của mình. Đó là một trong những cách giúp bạn nâng cao kỹ năng sáng tạo của mình. Tin tôi đi. Tôi đã làm và thành công rực rỡ với phương pháp này.

Ngoài ra, hãy tham khảo thêm các website, ấn phẩm nước ngoài. Đó là một môi trường, không gian khởi nguồn của những sáng tạo mới. Và bạn có cơ hội tiếp cận với những cái mới, đầu tiên để đi đầu trong xu hướng.

Content creator cũng sẽ cần kỹ năng làm việc cơ bản khác như: làm việc nhóm, sử dụng máy tính thành thạo, quản lý thời gian,…

Nếu muốn thành công, hãy luyện tập tất cả các kỹ năng trên. Tất nhiên, những kỹ năng sẽ không xuất hiện khi các bạn tỉnh dậy. Hãy bắt đầu rèn luyện những kỹ năng này từ ngay hôm nay!

Liên hệ ngay tới KBI để được tư vấn miễn phí nếu quý khách hàng cần tham khảo các dịch vụ liên quan đến: Digital marketing, Tư vấn chiến lược thương hiệu, Thiết kế nhận diện thương hiệu, Quản trị doanh nghiệp,….

WEALTHY CONNECTION…

KBI – KEY BRANDS INTERNATIONAL
102 Trần Phú – Mộ Lao – Hà Đông – Hà Nội
Hotline: 0936 223 332 – Zalo: 0989 679 262
Mail: info@kbi.vv – Website: https://kbi.vn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trả lời